Ý Nghĩa Của Một Cuộc Gặp Gỡ
Trung Điền
Chiều ngày 29 tháng 5 vừa qua, Tổng Thống George W Bush cùng với Phó Tổng Thống Dick Cheney đã tiếp đón bốn vị đại diện của bốn tổ chức đấu tranh của Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại văn phòng Oval trong Tòa Bạch Ốc. Đây có thể coi là một sự kiện hy hữu khi Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tiếp kiến đại diện của lực lượng đấu tranh chống lại một chính quyền mà Hoa Kỳ có bang giao; đồng thời đây cũng là biến cố đầu tiên Hoa Kỳ chính thức công nhận nỗ lực tranh đấu của người Việt quốc gia tại Hoa Kỳ, sau 32 năm tỵ nạn tại Mỹ.
Cuộc gặp gỡ nói trên đã được Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) - cơ quan hoạch định các chính sách mang tính chiến lược cho Tổng thống nằm trong Tòa Bạch Ốc- tiến hành trong vòng 10 ngày vừa qua với mục tiêu giúp Tổng Thống Bush lắng nghe trực tiếp về tình hình và các nhu cầu đấu tranh cho quyền tự do dân chủ tại Việt Nam từ những người lãnh đạo các tổ chức đấu tranh trong cộng đồng. Kết quả là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã thay mặt Tổng Thống Bush, chính thức gửi thư mời ông Đỗ Hoàng Điềm (Chủ tịch Đảng Việt Tân), ông Đỗ Thành Công (Sáng lập đảng Dân Chủ Nhân Dân), Tiến sĩ Lê Minh Nguyên (Đại diện Mạng Lưới Nhân Quyền) và Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân (Chủ tịch Cao trào nhân bản) tham dự cuộc trao đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Trong buổi tiếp xúc với Tổng thống George Bush, Phó tổng thống Dick Cheney, Chánh văn phòng toà Bạch Ốc Joshua Bolten và Cố vấn an ninh quốc gia Steve Hadley, phái đoàn Việt Nam đã chia xẻ về những chính sách cai trị hà khắc của bộ máy độc tài Cộng sản Việt Nam, đồng thời kêu gọi Tổng Thống Bush phải cứng rắn và đưa Hà Nội trở lại trong danh sách những nước đáng quan tâm (CPC). Tổng Thống Bush có hứa là ông ghi nhận các nguyên vọng của bốn vị đại diện và sẽ đặt vấn đề này khi gặp Chủ tịch CSVN Nguyễn Minh Triết vào tháng 6. Có lẽ cuộc gặp gỡ vừa qua không cần nhiều nội dung trao đổi vì chính quyền Hoa Kỳ, nhất là Bộ Ngoại Giao và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã nắm bắt tình hình đàn áp chính trị tại Việt Nam khá chính xác. Vấn đề là tại sao Tổng Thống Bush và chính quyền Hoa Kỳ lại chọn lựa thời điểm cuối tháng 5 để gặp gỡ những nhà lãnh đạo các lực lượng đấu tranh chống chế độ Hà Nội, trong khi lại chuẩn bị tiếp đón ông Triết trong vòng 3 tuần tới. Cuộc tiếp xúc này chắc chắn sẽ không những không làm hài lòng Hà Nội mà có thể tạo ra không khí 'nặng nề' giữa đôi bên khi gặp nhau. Vậy cuộc gặp gỡ các nhà đ?u tranh dân chủ Việt Nam mang ý nghĩa gì?
Ý nghĩa thứ nhất là Tổng thống Bush và chính quyền Hoa Kỳ muốn gởi một tín hiệu cho nhóm lãnh đạo Cộng sản Việt Nam rằng Hoa Kỳ rất bất mãn về thái độ 'lưỡi gỗ' khi họ cố tình chối rằng ở Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có tù vi phạm luật pháp, trong khi thế giới đã và đang mục kích rất nhiều cuộc đàn áp chính trị diễn ra ngay trước mắt như vụ bịt miệng Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa ngày 30 tháng 3, hay vụ công an xua đuổi không cho mẹ và các bà vợ của những nhà đối kháng vào tư dinh của Đ?i Sứ Marine để dùng tiệc trà do chính ông mời hồi đầu tháng 4.
Ý nghĩa thứ hai về việc Tổng thống Bush và chính quyền Hoa Kỳ đón tiếp bốn nhà lãnh đạo của bốn tổ chức đấu tranh trước khi đón tiếp Nguyễn Minh Triết tại văn phòng Oval trong Tòa Bạch Ốc là muốn cho Hà Nội thấy: mặc dù Hoa Kỳ đang đẩy mạnh bang giao và buôn bán với họ, nhưng thế đứng vẫn là gần với các lực lượng dân chủ và nhân dân Việt Nam chứ không phải là chế độ Hà Nội.
Ý nghĩa thứ ba là Tổng thống Bush và chính quyền Hoa Kỳ đã coi các lực lượng đấu tranh và Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ là một thực thể không thể chối cãi. Thực thể này đã trưởng thành và đang tạo nhiều ảnh hưởng lớn lên dư luận Hoa Kỳ sau 32 năm âm thầm chiến đấu và xây dựng với rất nhiều cam go, thử thách từ hai bàn tay trắng. Thực thể này cũng đã và đang làm cho Cộng sản Việt Nam điên đảo ở trong nước lẫn hải ngoại vì không thể nào dập tắt như họ mong muốn .
Ý nghĩa thứ tư là Tổng thống và chính quyền Hoa Kỳ đã mặc nhiên công nhận sự chính danh của các tổ chức, đảng phái đang đấu tranh cho nền dân chủ tại Việt Nam. Sự tiếp đón ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân - một đảng cách mạng được Tướng Hoàng Cơ Minh thành lập vào năm 1982 - vừa rồi bị Hà Nội lên án là tổ chức khủng bố, cho thấy là Hoa Kỳ đã không chỉ quan tâm đ?n các nỗ lực tranh đấu thực sự của đảng Việt Tân cho nền dân chủ tại Việt Nam mà còn gián tiếp phủ nhận những cáo buộc phi lý của Hà Nội đối với tổ chức này. Đồng thời, sự đón tiếp ông Đỗ Thành Công, sáng lập viên của đảng Dân Chủ Nhân Dân bị Hà Nội kết án là khủng bố cũng cho thấy là chính quyền Hoa Kỳ đã coi các cáo buộc của Hà Nội nhắm vào những tổ chức đấu tranh là vô giá trị.
Bên cạnh những ý nghĩa nói trên, cuộc tiếp đón các nhà lãnh đạo của bốn tổ chức đấu tranh Việt Nam còn biểu hiện sự quan tâm của Tổng thống Bush trước làn sóng bắt bớ và giam cầm các nhà đối kháng tại Việt Nam sau khi Hà Nội gia nhập WTO và được Hoa Kỳ ban cho quy chế PNTR. Quan tâm vì Hoa Kỳ thấy là chính họ đã bị phản bội khi Cộng sản Việt Nam hoàn toàn quay lưng lại các cam kết tôn trọng nhân quyền. Hoa Kỳ còn giận dữ vì đã bị Hà Nội xúc phạm với những lời hứa không hề đuợc tôn trọng, điển hình là lời hứa của Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm về việc thả nhà đối kháng Nguyễn Vũ Bình khi gặp bà Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ vào đầu tháng 4 năm 2007, nhưng cho đến nay ông Bình vẫn còn bị cầm tù trong tình cảnh bệnh lý hiểm nghèo.
Sau cùng, sự tiếp đón của Tổng thống Bush cùng với Phó tổng thống Dick Cheney đối với các nhà lãnh đạo cộng đồng và những đảng phái đấu tranh của người Việt Nam sẽ tạo ra tiền lệ tốt để các vị Tổng thống kế nhiệm trong tương lai, tiếp tục duy trì truyền thống trao đổi và thảo luận với lực lượng đấu tranh của người Việt Nam về những thông tin, diễn tiến và nhu cầu của công cuộc dân chủ hóa tại Việt Nam. Xin trân trọng gửi lời chúc mừng đại diện bốn tổ chức đã thành công trong cuộc trao đổi lịch sử với vị nguyên thủ tối cao của Hoa Kỳ, đồng thời xin chia xẻ lòng cảm kích về các nỗ lực của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Tổng thống Bush đã có quyết định thật sáng suốt khi sắp xếp cuộc gặp gỡ mang nhiều phấn chấn cho dư luận.
Trung Điền
Friday, June 1, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment