Hồ Chí Minh, một người yêu nước lầm lạc
DCVOnline - Việt Hồng thực hiện
Việt Hồng: Thưa ông, trong cuộc phỏng vấn lần cuối, chúng ta có đề cập đến vai trò của ông Hồ Chí Minh (HCM) trong việc du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam. Và ông có nói rằng việc đánh giá ông Hồ Chí Minh phải hết sức thận trọng. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Bùi Tín: Đánh giá về HCM phải thận trọng vì vai trò của ông với lịch sử là rất lớn. Như nhiều người biết, ông ấy là người du nhập học thuyết Marx-Lenin vào Việt Nam. Học thuyết ấy đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Có thể nói nhờ có ông HCM và cùng với ông ấy là Đảng Cộng Sản Đông Dương mà mới có cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sau đó là cuộc kháng chiến chống pháp, rồi CNXH tại Việt Nam.
Hồ Chí Minh là một người yêu nước lầm lạc. “Tặng tướng Salan, tình bạn tuyệt vời” (1946)
Nguồn: www.salan.asso.fr
--------------------------------------------------------------------------------
Như vậy, vai trò của ông Hồ chí Minh với lịch sử Việt Nam là vai trò quyết định. Học thuyết Marx - Lenin không chỉ biểu hiện ở Chủ nghĩa Xã Hội, Chủ nghĩa Cộng Sản mà còn việc đấu tranh giai cấp nữa. Đó cũng là học thuyết về Chuyên chính Vô sản để xây dựng lên một chế độ độc đảng như ở các nước XHCN cũ như Liên Xô, Đức, Ba Lan, hiện nay vẫn còn ở Việt Nam, Trung Quốc. Ở Việt Nam trước kia cũng có Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội nhưng thực chất những đảng đó cũng do đảng cộng sản lập ra.
Trước đây tôi cũng suy nghĩ rất nhiều đến chuyện này. Nhiều anh em ở trong nước khuyên tôi, động đến ông HCM là động đến một vị Thánh đối với một số người ở trong nước, bây giờ chưa đến lúc đó. Đây là một vấn đề tối kị vì động đến ông Hồ giống như động đến tín ngưỡng của nhiều người. Tôi cũng đã từng bị người ta chụp mũ là đi theo con đường phản động, phản bội… vì một số người, người ta chủ trương đồng nhất HCM với ĐCS, với dân tộc, với đất nước. Chống lại hay nói xấu HCM là chống lại dân tộc, chống lại đất nước, là phản động… Vì vậy, những ai chống lại HCM dễ bị cô lập.
Việt Hồng: Bắt đầu từ khi nào thì ông quyết định việc đánh giá lại ông HCM?
Bùi Tín: Ngay khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ thì tôi đã tỉnh ngộ ra môt chút, khi đó tôi vẫn còn ở trong nước. Hôm đó, có nhiều khách nước ngoài, rồi Việt kiều, mọi người phát biểu ca ngợi ông HCM, còn tôi bắt đầu ngờ ngợ.
15, 16 năm nay thì tôi nghĩ khác. Chúng ta phải có một thái độ khoa học. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, trung thành với lẽ phải. Theo tôi, cứ sự thật mình suy nghĩ như thế nào thì nói ra như thế, tránh thành kiến, tránh định kiến, không chủ quan… Đó là thái độ khoa học. Cho nên tôi không ngại khi phải viết về ông HCM, phải trả lời về ông HCM như hôm nay .
Theo tôi, không tránh né mà cần nhìn thẳng vào sự thật mà nói thẳng, mà phân tích…
Việt Hồng: Còn trước kia thì tình cảm của ông với ông Hồ ra sao?
Bùi Tín: Việc nhận thức này đối với tôi là cả một quá trình. Cô biết đấy, ở trong nước, tôi cũng ở trong quân đội 44 năm, là đảng viên đảng CS 38 năm và tôi cũng được đúc trong cái lò CS này ra. Tôi còn tham gia công tác tuyên truyền (cười) vì tôi là nhà báo, làm công tác tuyên huấn. Tôi cũng được bộ máy của đảng tuyên tuyền, lắp đi lắp lại nên quá trình nhìn nhận, đánh giá ông HCM với tôi là môt quá trình biến đổi tronh nhận thức cũng như trong tình cảm.
Khi còn trong nước tôi được giáo dục tuyên truyền rằng ông ấy là môt anh hùng, một người yêu nước, một con người vĩ đại… Rồi người ta còn dậy rằng, HCM không những là nhà chính trị, còn là nhà văn hóa, nhà thơ, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà ngoại giao kiểu mẫu, một lãnh tụ sáng suốt. Không gì có thể nói hết được mặt tốt, mặt gương mẫu của ông HCM. Ngày 2/9/1969, khi ông HCM chết, cả gia đình tôi khóc, vợ khóc, con khóc, xung quang ai cũng khóc, hàng triệu người khóc còn hơn khóc bố, khóc mẹ mình chết. Chính tôi cũng là nạn nhân của việc nhồi sọ rồi tôi lại tham gia vào việc tuyên truyền, ca ngợi ông HCM.
Việt Hồng: Cái gì làm cho ông bắt đầu nghi ngờ ông Hồ, ông có thể nói cụ thể hơn không?
Bùi Tín: (cười) Đó là quyển truyện "Những mẩu truyện về cuộc đời hoạt động của chủ tịch HCM". Khi tôi được biết là do chính ông viết rồi ký tên HCM. Tôi mở quyển sách ra xem thì tôi thấy lấn cấn, vì trong quyển sách nói, Bác Hồ của chúng ta là cực kỳ khiêm tốn, Bác không khi nào muốn nói về mình cho nên ông Trần Dân Tiên phải đi đường vòng, phải tới gặp những nhân chứng, những người đã từng gặp gỡ Bác ở Xiêm, ở Pháp… để tìm kiếm tư liệu cho việc viết cuốn truyện này.
Vậy mà Trần Dân Tiên lại chính là Hồ Chí Minh. Từ đó tôi đặt ra một loạt câu hỏi: "tại sao lại có một người thiếu khiêm tốn đên như vậy? Sao lại tự viết truyện ca ngợi mình? Lại còn so sánh mình hơn cả Lê Lợi, Quang Trung…?"
Khi sang Pháp, tôi bắt đầu viết cuốn sách "Hoa Xuyên Tuyết", tôi bắt đầu đánh giá lại con người HCM. Tôi thấy không thể gọi ông HCM là con người khiêm tốn, kiểu mẫu được. Một người khiêm tốn không ai lại tự mình viết về mình, kể toàn những truyện tâng bốc về mình, ca ngợi mình như vậy.
Việt Hồng: Và người ta phản ứng ra sao trước nhận định như vậy của ông?
Bùi Tín: Khi đó ở trong nước người ta nhao nhao lên, người ta cho ông Bùi Biên Thùy, một người cũng ở trong bào Nhân Dân với tôi, viết bài gọi tôi là phản động, đi theo bọn phản động nước ngòai... Từ đó tôi cho rằng cần có thái độ đúng đắn, vô tư, cân nhắc kỹ khi nói về ông Hồ.
Việt Hồng: Khi động tới ông HCM thường có người khen ông hết lời, người chê ông hết mức, theo ông thái độ như thế nào là đúng mực, đúng đắn?
Bùi Tín: Khi động đến ông HCM là cãi nhau rất quyết liệt. Một bên thì ca ngợi ông hết sức, Bên kia thì phủ nhận hoàn toàn cho rằng ông là người hoàn toàn tiêu cực, không có một tí nào tích cực, không một tí nào đóng góp cho lịch sử VN.
Một số anh chị em hiện đang sống ở nước ngoài, gọi là người Việt quốc gia, họ có mối căm thù không đội trời chung với ông Hồ cho nên họ dùng những lời lẽ hết sức nặng nề với ông. Họ không bao giờ gọi là "ông" cả mà phải gọi bằng nhừng từ ngữ xấu xa nhất, nặng nề nhất như "con cáo", "thằng già", "tên Việt gian bán nước"… Họ căm thù cũng đúng thôi vì họ đã mất hết cả. Nhưng từ đó mà có cái nhìn không cân bằng, không nói mảnh may một điều gì tốt về ông Hồ cả mà toàn dùng những lời lẽ, những từ ngữ quá đáng thì như thế không phải là một thái độ đúng đắn.
Theo tôi, thái độ tốt nhất để có thế thuyết phục được tuổi trẻ và 83 triệu đồng bào trong nước, phải là một thái độ thận trọng, khoa học và vô tư.
Tất nhiên, mỗi người có một nhận thức và tôi tôn trọng mọi quan điểm của mọi người nhưng mà tôi có quan điểm riêng của tôi.
Việt Hồng: Vậy theo ông thì những mặt tích cực và tiêu cực của ông HCM là gì?
Bùi Tín: Theo tôi, mặt tích cực của ông HCM là đóng góp cho lịch sử VN, đứng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và kết thúc thắng lợi. Rồi đứng đầu chính phủ kháng chiến trong vòng 9 năm, kết thúc kháng cuộc chiến chống Pháp với thắng lợi Điện Biên Phủ.
Đối với thế giới, ông ấy cũng được các nhà lịch sử thế giới coi là người đã đứng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp giành lại độc lập, một người đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân Pháp.
Tôi nghĩ là ông ấy có đóng góp vào một số sự kiện tích cực cho đất nước. Nhưng ngay cả trong sự tích cực ấy cũng phải đi sâu vào xem nó có hoàn toàn tích cực hay không.
Còn sai lầm của ông ấy là ông ấy đã rước về cho dân tộc một chủ nghĩa tai hại mà không phải là trong mấy tháng mà kéo dài nửa thế kỷ, cho tới bây giờ.
Cô thấy đấy, VN bây giờ vẫn là nước độc đoán, độc đảng. Người ta vừa xử mấy phiên tòa bịt miệng ngay giữa Huế, Sài Gòn, Hà Nội đấy. Cái chủ nghĩa CS mà ông Hồ đem về cho dân tộc vẫn còn tác oai tác quái!
Việt Hồng: Ông đánh giá như thế nào về tinh thần yêu nước của ông Hồ?
Bùi Tín: Hiện nay có nhiều tranh cãi giữa những người trong và ngoài nước rằng, ông HCM có phải là một người yêu nước hay không? Theo tôi, thời kỳ ông ấy học quốc học Huế, trong tiểu sử của ông có ghi rằng ông tham gia những cuộc bãi khóa, bãi thuế v.v... Rồi ông ấy có đọc Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và thấy con đường của các vị tiền bồi này bế tắc và từ đó ông ấy đi tìm đường cứu nước. Tôi nghĩ rằng, cách viết như vậy nó hơi thổi phồng sự việc lên quá. Về chuyện này, các nhà lịch sử cần phải nghiên cứu tiếp.
Theo tôi, việc ông Hồ sang Pháp đi tìm đường cứu nước cần phải xem xét lại cho kỹ lưỡng. Các nhà sử học người ta viết cũng có chủ quan, tô vẽ quá với sự thật… Họ cho rằng, ông HCM yêu nước, giác ngộ từ bé. Tôi cho rằng những chứng cớ khi còn quá mờ nhạt và chưa đủ sức thuyết phục, chưa đủ để khẳng định chuyện đó.
Khi ông Hồ bỏ học tại trường quốc học, lúc ông cụ thân sinh ra ông Hồ là Nguyễn Sinh Sắc lúc bấy giờ là phó bảng tại Bình Khê, tức là quan Tri huyện, nhưng do đánh chết người (ông Tạ Văn Quang) nên mất chức, bị gần như khai trừ ra khỏi ngạch quan lại. Do đó ông HCM mất chỗ dựa, ông bỏ trường quốc học vào Nam (Phan Thiết). Rồi ông đi làm bồi tầu như một kế sinh nhai, sau đó theo tầu sang Pháp.
Cho tới giai đoạn này, tôi cho rằng, chưa có bằng chứng về tinh thần yêu nước của ông Hồ.
Nhưng thời gian ông ấy ở Pháp rồi sang Nga, sang Tầu… thì ông ấy đã hoạt động như môt thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. Khi ông ấy ở Pháp và viết cuốn "Bản án chế độ thực dân Pháp" rồi tham gia hoạt động tại Tour… thì tôi đánh giá ông ấy là một người yêu nước. Tuy là có vài người cùng viết nhưng ông ấy là người công bố tài liệu này ở Hội Quốc Liên, như Liên Hiệp Quốc bây giờ ấy (cười).
Khi ông ấy đọc tài liệu về chủ nghĩa CS rồi trong một tối, ông ấy kêu toáng lên là: "mặt trời đây rồi, chân lý đây rồi…". Rồi ông ấy kể lại là ông ấy rớt nước mắt ra khi cho rằng mình đã tìm ra chân lý để cứu nước… Nếu quả thật như thế thì lúc bấy giờ ông ấy là một thanh niên yêu nước, muốn tìm ra một con đường tốt nhất để giải phóng dân tộc, không thể nói khác đi được.
Cả quá trình khi ông Hồ tham gia Đảng CS Pháp rồi tham gia viết báo tại Pháp…, sang Nga năm 1924…, tôi cho rằng, ông Hồ yêu nước, không thể kết luận ông ấy bán nước như một số người Việt hải ngoại được.
Nhưng thực tế cho tới nay thì ông HCM là một người yêu nước lầm lẫn. Học thuyết Marx-Lenin mà ông ấy cho là chân lý, là cẩm nang, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam mà cho đến khi chết ông ấy vẫn nghĩ là con đường đúng đắn nhất là đưa Việt Nam vào phe XHCN… thì nó đã phá sản. Ngay cả những người CS trong nước, người ta bây giờ cũng nhận ra sai lầm này sau khi Liên Xô tan rã và chủ nghĩa CS phá sản ở các nước Đông Âu. Trên thực tế người ta đã từ bỏ con đường của ông HCM nhưng vẫn cố giữ bình phong như vậy để độc quyền lãnh đạo đất nước.
Đó là nhầm lẫn của ông HCM, vì cái nhầm lẫn này mà nó kéo theo thảm họa CS cho Việt Nam tới tận bây giờ. Nó làm khổ cả dân tộc, làm bao người phải thiệt mạng vì nó. Làm khổ tới nay, vẫn chưa dứt được ra
Tôi cho rằng, HCM là một người yêu nước lầm lạc, yêu nước như ông Hồ thì thà đừng yêu nước còn hơn, còn may cho dân tộc hơn. Yêu nước như ông HCM thì còn tệ hại hơn nhiều lần so với không yêu nước, thà để dành là cờ lãnh đạo cho Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu còn tốt hơn.
© DCVOnline
----------------------------------------------------------
Bai lien quan:
Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và tinh thần dân tộc Phần I
Tuesday, May 29, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment